Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Kinh tế Việt Nam 'khó khăn', 'bi đát' và 'nguy lắm rồi'

http://giasutatthanh.edu.vn/
Kết thúc phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5, một loạt các lãnh đạo đều đưa ra những nhận định bi quan về thực trạng kinh tế ảm đạm của Việt Nam.
Mặc dù kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2013 đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; Lạm phát được kiềm chế; Giá cả, thị trường khá ổn định, song nền kinh tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Cơ cấu tăng trưởng GDP quý I lệch hẳn về khu vực dịch vụ; Công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,93%; Khu vực sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản đều thấp hơn cùng kỳ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá: “Nếu các thách thức nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn” (Theo Tienphong). Vừa hay, Quỹ Tiền tề Quốc tế IMF cũng mới hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay từ 5,8% xuống còn 5,2% trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất.

Lấy con số dư nợ tín dụng ngân hàng từ đầu năm chỉ tăng 1,44%, trong khi dư nợ huy động tăng 5,5%, quá thấp so với mục tiêu tăng tín dụng cả năm 14 - 15% để kích thích GDP tăng trưởng 5,5%, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Tiền tệ đã đóng băng, tình hình như thế này là nguy lắm rồi”. Vốn ứ đọng tại ngân hàng, không chảy vào sản xuất kinh doanh, trong khi doanh nghiệp lại quá phụ thuộc vào nguồn vốn nhà băng. Với đà này, nền kinh tế các quý sau chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn. Theo bà Doan, ngoài tháo gỡ chính sách tiền tệ, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay tiếp, Quốc hội cần triệt để chống lãng phí trong đầu tư – “Nếu kỳ họp này mà không đưa ra được giải pháp đủ mạnh thì khó khăn sẽ càng thêm trầm trọng”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết tốc độ giải phóng hàng tồn kho, khơi thông thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu còn quá chậm khiến sản xuất kinh doanh bị tắc nghẽn. Trong quý I/2013, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động đã tăng thêm 14,6% nữa so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 15,3 nghìn. Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Tình hình đúng là hết sức đáng lo ngại, tăng trưởng sản xuất giảm ở cả lĩnh vực công - nông nghiệp - dịch vụ. Bức tranh vô cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản và 65% số còn lại báo lỗ thì biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào”.

Nhận định về các con số này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thậm chí còn chắc nịch rằng: “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%”. Tình hình kinh tế ảm đạm hơn có thể sẽ khiến 15,7 nghìn doanh nghiệp vừa mới thành lập (giảm 6,8% về lượng và 16% về vốn so với quý I/2012) trong quý I/2013 chưa “mọc cánh” đã vội “chết yểu”.

Về thu chi ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thêm vào: “Thu NSNN những quý I/2013 đạt kết quả thấp hơn so với cùng kỳ và so với dự toán, báo hiệu một năm nhiều khó khăn về cân đối NSNN”. Các con số không đạt chỉ tiêu, cùng những nhận định không mấy lạc quan của các lãnh đạo đã vẽ lên bức tranh kinh kế Việt Nam đang và sẽ “buồn” đa chiều.

Một vấn đề nổi bật khác trong phiên họp chính là tính chân thực và tin cậy của các con số. Một vài thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ “nghiêm túc và thật thà” trong số liệu báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn hỏi xoáy: “Tại sao kinh tế khó khăn như vậy, doanh nghiệp đình đốn, công nhân mất việc, hàng hóa sản xuất ra không bán được mà báo cáo tỉ lệ nghèo vẫn giảm nhanh như vậy? Tôi đi thực tế lại thấy nghèo tăng lên chứ không có giảm đi”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu kể thêm: “Hoàn thuế VAT hôm trước mới nói 20.000 tỉ, vậy mà vài ngày sau đã lên 33.000 tỉ. Không thể tưởng tượng được!”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước mạnh dạn đề nghị các bộ ngành phản ánh đúng tình hình khó khăn của đất nước, chứ đừng đưa ra các con số báo cáo “vì cái ghế của mình”.

                                                                                                                                           Theo CafeF

Không có nhận xét nào: